Báo chí nói về Teky

Hãy theo đuổi ước mơ, dù chưa chắc nhưng cứ chọn và thử

Rate this post

(Nhandan.vn) Trên thương trường Việt Nam, không thiếu bóng dáng những người phụ nữ tài năng, tháo vát. Một mặt, họ vừa “đánh Đông dẹp Bắc” không thua kém các đấng mày râu, mặt khác vẫn lo chu toàn việc gia đình, con cái. CEO Teky Đào Lan Hương là một người phụ nữ như vậy.

Tôi làm chương trình giảng dạy công nghệ vì các con tôi

Khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đào Lan Hương là một trong những thành viên đã gây dựng lên Nexttech – Tập đoàn công nghệ có giá trị hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau 15 năm gắn bó, chị đã rời bỏ vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn để tự đi một con đường mới đầy khó khăn nhưng chứa đựng rất nhiều đam mê, tâm huyết với thế hệ tương lai của Việt Nam.

Nhiều năm làm công nghệ thông tin, hơn ai hết chị hiểu lĩnh vực này tác động sâu sắc như thế nào tới thế hệ tương lai, trong đó có các con của mình. Chị đã cất công đi tìm các chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em tại Việt Nam nhưng không thấy. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi lập trình là một bộ môn bắt buộc từ cấp tiểu học, là nền tảng cơ bản thứ 5: Nghe-Nói-Đọc-Viết-Lập Trình. Điều này chắc chắn tạo ra khoảng cách năng lực lớn giữa thế hệ tương lai Việt Nam với các bạn đồng trang lứa tại các nước phát triển.

Lớp học lập trình tại Học viện Teky.

Năm 2016, chị quyết định một mình đi khắp Đông Nam Á, tới từng cơ sở giảng dạy công nghệ cho trẻ em để tham khảo. Chị cũng sang Trung Quốc, Mỹ, Australia… để tham quan triển lãm đổi mới giáo dục, học hỏi các chuyên gia. Năm 2017 chị đã cho ra mắt Teky-Tek (Tech) for young cơ sở đầu tiên hiện thực ước mong có một cơ sở để các con của mình và các bạn có chỗ học lập trình.

Dự án Teky giống như một nhân duyên để tôi thực hiện sứ mệnh giúp đỡ thế hệ tương lai, giúp các con trang bị năng lực số, nắm bắt cơ hội, tránh nguy cơ mất việc làm từ robot và trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Từ đó, chúng tôi nhìn dự án này không dừng lại ở mô hình kinh doanh mà còn đầu tư tới cùng với rất nhiều tâm huyết, đem lại giá trị tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, để các em không lạc hậu so với thế giới. Đấy cũng là mục tiêu lớn nhất của Teky”, chị Hương tâm sự.

Một cơ sở của Teky tại Hà Nội.

Sau 5 năm phát triển, hiện nay Học viện Teky đã mở rộng hoạt động được 16 trung tâm trên cả nước, giảng dạy công nghệ và lập trình cho gần 30 nghìn học sinh, đưa chương trình học tới 300 trường trên toàn quốc để góp phần thay đổi nhận thức cho nhà trường, phụ huynh, học sinh.

Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng đưa bộ môn Công nghệ thành bộ môn cơ bản mà mọi học sinh đều phải học như tiếng Anh vì lợi ích của các em trong tương lai, không phải để các em trở thành lập trình viên, kỹ sư kỹ thuật mà để các em có thể tránh được nguy cơ lạc hậu, thất nghiệp và thậm chí nắm bắt được cơ hội của bản thân mình trong thời đại số”, chị Hương chia sẻ.

Lái con thuyền Teky trong đại dịch Covid-19

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực ảnh hưởng, ngành công nghệ không hề ngoại lệ. “Con thuyền” Teky một lần nữa chông chênh giữa sóng lớn. Theo chia sẻ của chị, tới năm 2019, Teky đã phát triển nhanh chóng hết sức thuận lợi, thế nhưng hóa ra toàn bộ các khó khăn của 20 năm khởi nghiệp đều không thể so sánh được với khó khăn mà Teky đương đầu với Covid-19 lần này. Như nhiều doanh nghiệp khác, đã có lúc chị gần như “ngồi trên đống lửa” vì thiệt hại nặng nề do dịch bệnh kéo dài.

“Còn nhớ giai đoạn giãn cách toàn xã hội tháng 4 năm 2020, doanh số của chúng tôi giảm mạnh còn 15%. Từ tháng 5/2021 tới nay, toàn bộ ngành giáo dục đã phải dừng hoạt động offline, rất nhiều tổ chức giáo dục đã đóng cửa. Chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ với các nỗi lo về sức khỏe, an toàn, ổn định, thu nhập, thậm chí mất mát người thân”, chị Hương chia sẻ.

Chị Đào Lan Hương đã đưa “con thuyền” Teky vượt bão tố trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Với bản lĩnh của nữ thuyền trưởng, chị đã khéo léo đưa con tàu vượt bão tố. Chị bảo: “Khi sáng lập Teky, tôi đã tham gia sáng lập nhiều công ty công nghệ và có cả những thành công và thất bại trong hoạt động kinh doanh của mình. Có lẽ điều đó giúp tôi thấu hiểu công nghệ quan trọng như thế nào với tất cả các ngành nghề và thế hệ tương lai; cũng như giúp mình lèo lái Teky “có nghề” hơn.”.

Để đối diện với đại dịch, ngay từ thời điểm tháng 2 năm 2020, chị xác định con đường duy nhất để vượt qua và nắm bắt được cơ hội là startup lại từ đầu với công nghệ. Ngay lập tức, tập thể Teky chuyển hướng mô hình từ offline sang online, trở thành tổ chức công nghệ giáo dục.

Toàn bộ đội ngũ quyết tâm nhanh chóng xây dựng nền tảng edtech và chương trình giảng dạy trực tuyến, làm việc hết công suất liên tục nhiều tháng tăng ca, thậm chí chia nhóm ở lại các văn phòng suốt thời gian giãn cách. Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, Teky đến nay vẫn duy trì được quy mô 16 học viện và nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô thị trường của chính mình.

Đừng nghĩ phụ nữ làm lĩnh vực công nghệ là khô cứng 

Nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ làm về công nghệ là khô cứng, nhưng với CEO Đào Lan Hương lại khác. Chị có đời sống tinh thần khá phong phú. Chị cho rằng, khô cứng là do con người chứ công nghệ thậm chí giúp cho cuộc sống chúng ta thêm màu sắc hơn rất nhiều.

“Tôi cũng không cho rằng có người phụ nữ thành công nào lại tẻ nhạt cả, bận rộn thì đúng chứ khô cứng thì không. Bởi những người đó đều hết sức tự tin, bản lĩnh, nhiều năng lượng, sống tích cực, có thể làm những việc mình muốn và năng lực sắp xếp mọi việc rất linh hoạt, lại đóng góp được nhiều cho xã hội và biết mình muốn gì”, chị Hương nói.

Có lẽ những triết lý trong cuộc sống đó có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi dạy con cái của chị. Là một người mạnh mẽ và cũng “bầm dập” trước nhiều khó khăn nên chị luôn hướng con suy nghĩ tích cực, lạc quan, sẵn sàng hơn với các thử thách, để cho dù sau này con làm gì nhưng nhất định sẽ là người dám vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để chọn và đi con đường mình đã chọn.

Chia sẻ thông điệp với những bạn trẻ đang khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các bạn nữ, chị bảo: “Khởi nghiệp không phải là hoạt động phong trào. Nó đánh đổi bằng tiền bạc, thời gian, với các bạn nữ khởi nghiệp càng cần suy nghĩ kỹ xem đây có phải là điều mình mong muốn và có thể đối diện hay không? Nếu đã có quyết tâm, bạn cần lựa chọn lĩnh vực và đánh giá đúng về nhu cầu thị trường. Đừng bán cái mình có, hãy bán cái thực sự cần và chọn cho mình những người đồng hành để cùng nhau chia sẻ. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cần có đội nhóm và đội nhóm đó phải chọn được người giỏi, cùng chí hướng, có thái độ chia sẻ, cộng tác, lắng nghe”.

Mặc dù là người bận rộn nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp mọi việc khoa học: “Tôi không phải là người ôm đồm quá quá nhiều việc. Dù bận đến đâu tôi vẫn nhất định dành thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình. Bởi dù thế nào gia đình, con cái vẫn là điều mà những người phụ nữ luôn hướng đến. Hơn nữa, những lúc mệt mỏi được nghỉ ngơi bên gia đình sẽ là khoảng thời gian tái tạo để bản thân có thêm động lực thực hiện tốt công việc. May mắn với tôi là các thành viên gia đình và mọi người chung quanh luôn hỗ trợ tôi rất nhiều”.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button
Nội dung

 

TRẢI NGHIỆM CÔNG NGHỆ

 

Your message has been successfully sent

Unable to send.