Nhà đầu tư quốc tế đặt cược vào thị trường edtech Việt
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 19/5, Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest cho biết đã huy động thành công 120 triệu USD vốn từ một đơn vị không được tiết lộ danh tính và nguồn vốn cổ phần từ nhà đầu tư hiện tại KKR thông qua Global Impact Fund.
EQuest sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tăng cường Hệ thống quản lý học và thị trực tuyến K12Online. Sau vòng gọi vốn này, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại EQuest tăng từ 65,5% lên 69,5%. Trước đó, KKR đã đầu tư vào EQuest từ tháng 6/2021, với số vốn được cho là 100 triệu USD.
Cũng trong tháng 5/2023, một Edtech khác là Teky Alpha JSC cho biết đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư Sweef Capital của Singapore với sự tham gia của Strategic Year Holdings. Teky đã vận hành 16 học viện tại 5 thành phố lớn ở Việt Nam, hợp tác với hơn 45 trường học để cung cấp chương trình STEAM cho hơn 25.000 trẻ em. Dự kiến, khoản đầu tư này sẽ giúp Teky mở rộng thêm dịch vụ giáo dục tại hệ thống giáo dục công lập và các chương trình ngoại khóa dành cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi.
Cùng thời gian, Start-up Ruangguru (Indonesia) cho biết đã mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam, mức giá được hai bên bảo mật. Mclass là Edtech chuyên cung cấp các buổi giảng dạy trực tiếp về toán, khoa học, văn học và luyện thi một số kỳ thi như IELTS. Còn Ruangguru hiện đang có 40 triệu người dùng tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2020, Ruangguru đã đầu tư vào start-up Edtech Kiến Guru. Con số cụ thể không được tiết lộ, nhưng nhờ đó, Kiến Guru trở thành một thành viên của nền tảng học tập trực tuyến lớn nhất tại Indonesia.
Tháng 4/2023, Start-up MindX, chuyên đào tạo kỹ năng công nghệ, lập trình cho người Việt, vừa nhận đầu tư 15 triệu USD từ Kaizenvest có trụ sở tại Singapore. Quỹ này từng rót vốn vào nhiều start-up có tiếng trong lĩnh vực Edtech, trong đó có kỳ lân Byju’s và upGrad của Ấn Độ, Hệ thống trung tâm tiếng Anh Yola. Các nhà đầu tư khác tham gia vào vòng này còn có tập đoàn giáo dục Thái Lan Aksorn, Tập đoàn nhân sự Nhật Bản Mynavi và các quỹ Wavemaker Partners, Beacon Fund…
Năm 2022, Edtech của Việt Nam rất sôi động khi ghi nhận hơn 100 công ty Edtech khởi nghiệp và tận dụng thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính các start-up Việt Nam đã nhận được 8 khoản đầu tư với tổng số tiền là 46,8 triệu USD, chủ yếu đến từ các start-up mới nổi giai đoạn trước (Edupia, Marathon, Vuihoc, Azota…).
Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt thương vụ rót vốn vào Edtech của Việt Nam trong bối cảnh “mùa đông công nghệ” và làn sóng big tech sa thải rộng đã gây ngạc nhiên cho giới start-up.
Edtech nửa mừng, nửa lo
Nhiều nguyên nhân được đưa ra cho tín hiệu ngược dòng của Edtech Việt Nam như: Việt Nam có 71% dân số sử dụng Internet; Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày càng tăng cao… Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường Edtech sôi động nhất ở Đông Nam Á, với ước tính gần 15% ngân sách nhà nước và 38% ngân sách hộ gia đình dành cho giáo dục. Theo Bain & Company, trung bình một gia đình Việt dành khoảng 20% thu nhập đầu tư cho giáo dục con cái, trong khi mức này ở các nước Đông Nam Á là 6-15%.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, Đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam phân tích, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 44,3% và dự kiến đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.
Tháng 7/2021, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa hình thức đào tạo trực tuyến tới 90% trường đại học và 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Điều này không những giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn đối với nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng số, mà còn thúc đẩy hơn nữa các start-up cũng như quỹ đầu tư và các đơn vị liên quan phát triển thị trường Edtech.
Tuy nhiên, Edtech là lĩnh vực start-up ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Thị trường Edtech tăng trưởng nhanh chóng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ. Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Edtech phải tìm ra hướng đi sáng tạo để giải quyết nhu cầu của người dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Cao Xuân Hoài Vương, CEO start-up Unica cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định đây là một cuộc “phiêu lưu” dài hạn, để thành công có thể sẽ phải mất 5 – 10 năm, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm không đủ kiên nhẫn vì áp lực lợi nhuận luôn đè nặng. Vì vậy, những công ty khởi nghiệp edtech cần phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng để vượt qua thách thức đó. Thị trường edtech càng sôi động, có nghĩa là sẽ có ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá.
Còn theo nhận định của ông Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), hầu hết các công ty Edtech Việt Nam thiếu các công nghệ đột phá, mặc dù không phải lúc nào cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến. Vì vậy, cần linh hoạt trong việc kết hợp giữa nội dung và công nghệ để giữ chân người học.
“Điều quan trọng là làm sao để người học cảm thấy hứng thú với nội dung và tiếp tục học, bằng cách xây dựng nội dung chất lượng cao, đồng thời tận dụng công nghệ phù hợp”, ông Tôn Quang Cường cho biết.
Có thể thấy rằng, Edtech Việt Nam đang vẫn là miếng bánh hấp dẫn đối với các start-up và nhà đầu tư quốc tế. Edtech Việt dù đang đang bước vào giai đoạn tăng trưởng với số lượng các công ty khởi nghiệp và đầu tư ngày càng tăng, nhưng vẫn còn đó nhiều bài toán của thị trường, của doanh nghiệp để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.